Tháng đầu tiên sau sinh, hẳn mẹ vẫn còn nhiều thắc mắc và bỡ ngỡ về việc chăm sóc trẻ sơ sinh 4 tuần tuổi. Cùng tìm hiểu sự phát triển của trẻ sơ sinh 4 tuần tuổi và những điều lưu ý khi chăm sóc bé trong bài viết dưới đây, mẹ nhé.
Chăm sóc một em bé sơ sinh không phải là việc dễ dàng, nhất là đối với những phụ nữ lần đầu làm mẹ. Chắc hẳn mẹ đã có những đêm mất ngủ, những bữa ăn vội vàng hay rất nhiều lo lắng khi thấy trẻ sơ sinh 4 tuần tuổi có nhiều biểu hiện lạ. Bé lúc này đã có những bước thay đổi rất nhanh chóng. Để chăm sóc tốt nhất cho trẻ sơ sinh 4 tuần tuổi, mẹ hãy lưu ý những điều dưới đây nhé.
Trẻ sơ sinh 4 tuần tuổi có rất nhiều sự thay đổi so với lúc mới sinh từ sự phát triển về cân nặng, chiều dài cho đến các chỉ số thể chất và các giác quan. Rất có thể, mẹ sẽ cảm thấy ngạc nhiên với sự thay đổi nhanh chóng này đấy.
– Thể chất
Thông thường, trong 5 ngày đầu tiên sau sinh, em bé sẽ giảm 1/10 trọng lượng cơ thể. Số gram giảm này sẽ được lấy lại trong 5 ngày tiếp theo. Vì vậy, khi bé được 10 ngày tuổi, bé sẽ có số cân nặng bằng với lúc mới sinh.
Trung bình, bé sẽ tăng được 140–200g mỗi tuần và dài thêm 2,5cm–4cm trong tháng đầu tiên. Con số này sẽ dao động tùy theo giới tính và các chỉ số lúc mới sinh của mỗi bé. Các bé trai sẽ có xu hướng tăng nhanh hơn bé gái (tăng khoảng 200–350g mỗi tuần) và các bé sinh đủ tháng cũng sẽ có chỉ số thể chất phát triển nhanh hơn các bé sinh non.
Bên cạnh cân nặng và chiều dài, một chỉ số rất quan trọng để đánh giá sự phát triển của trẻ sơ sinh 4 tuần tuổi là chu vi vòng đầu. Đây là chỉ số phản ánh sự phát triển của não bộ. Vòng đầu của trẻ sơ sinh thường có kích thước bằng 1/2 chiều dài cơ thể, cộng thêm 10cm. Như vậy, nếu trẻ 4 tuần tuổi dài khoảng 50cm thì bé sẽ có chu vi vòng đầu là 35cm.
– Làn da
Thời điểm trẻ 4 tuần tuổi, mẹ có thể nhận thấy làn da bé đã trở nên hồng hào, không còn nhăn nheo như những ngày đầu mới sinh.
Tuy nhiên, da bé sẽ xuất hiện nhiều đốm mụn đỏ hoặc trắng trên khắp mặt. Đây là sự phát triển bình thường trong giai đoạn trẻ sơ sinh 4 tuần tuổi. Nguyên nhân là do sự kích thích các tuyến dầu trên da bé bởi các hormone truyền qua nhau thai khi mang thai.
Hiện tượng này sẽ tự hết sau khoảng 1 đến 2 tuần nên mẹ không cần quá lo lắng. Mẹ hãy giữ vệ sinh các đồ dùng cá nhân cho bé sạch sẽ và chỉ nên lau mặt cho bé bằng nước sạch, hạn chế dùng xà phòng mẹ nhé.
– Thị giác
Trẻ sơ sinh 4 tuần tuổi chỉ mới nhìn thấy được những vật ở gần, với khoảng cách dưới 40cm. Bé đặc biệt thích thú với gương mặt con người, nhất là khuôn mặt của ba mẹ hay của chính bản thân mình. Mẹ có thể lắp một chiếc gương treo nôi an toàn cho bé để bé có thể tự khám phá mình qua gương nhé.
– Thính giác
Khi được 4 tuần tuổi, trẻ sẽ cảm nhận những âm thanh của thế giới bên ngoài to và rõ ràng hơn. Bé sẽ thích nghe giọng của mẹ, nhất là khi mẹ hát hay nói chuyện thủ thỉ, có âm điệu lên xuống.
– Vị giác
Trẻ sơ sinh 4 tuần tuổi chỉ uống sữa mẹ hoặc sữa công thức. Vì vậy, bé yêu sẽ thích vị ngọt hơn các vị chua hay đắng.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn uống của mẹ có thể ảnh hưởng đến mùi vị sữa mẹ. Những hương vị đầu tiên này sẽ hình thành nên sở thích về vị giác của trẻ sau này. Ví dụ, nếu mẹ thích ăn cay trong giai đoạn cho con bú, thì sau này, trẻ cũng có xu hướng thích ăn các món cay.
Mỗi bé sẽ có những cột mốc phát triển khác nhau, tùy vào từng thể trạng cũng như khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể. Nhìn chung, trẻ sơ sinh 4 tuần tuổi sẽ có những sự phát triển như sau:
– Nếu mẹ đặt bé nằm sấp, bé có thể tự ngẩng đầu trong vài phút.
– Bé biết quơ tay về phía mặt và miệng, nhưng chưa biết cách đưa tay vào miệng.
– Trẻ sơ sinh 4 tuần tuổi biết cử động đầu nhiều hơn, có thể xoay cổ từ bên này sang bên kia khi nghe có tiếng động.
– Bàn tay bé đã có thể nắm chặt lại, nhất là khi mẹ đặt một ngón tay vào lòng tay của bé.
– Bé thể hiện sự chăm chú lắng nghe hoặc tỏ thái độ phấn khích, mở to mắt khi ba, mẹ trò chuyện, hát, thủ thỉ.
– Trẻ rất thích thú khi được nhìn hình dạng khuôn mặt người.
– Trẻ cũng thể hiện phản xạ khi nghe tiếng động lớn.
– Trẻ bú sữa công thức: Trẻ sơ sinh 4 tuần tuổi thường bú 8-12 cữ mỗi ngày, mỗi cữ khoảng 60–120ml sữa. Mẹ có thể kiểm tra việc bú bình của bé có hiệu quả không bằng cách xem xét loại bình sữa và núm bú. Các tiêu chí để kiểm tra như thể tích của bình, van chống sặc, cấu tạo núm vú có giúp làm giảm khí cho trẻ khi bú.
Bên cạnh đó, nếu loại sữa đang uống không phù hợp với trẻ, bạn có thể thử một loại sữa công thức khác hoặc hỏi ý kiến bác sĩ. Trẻ 4 tuần tuổi chưa tự cầm bình sữa nên ba mẹ sẽ cầm bình trong thời gian cho trẻ bú hoặc sử dụng gối cho con bú. Tuy nhiên, nếu sử dụng gối hỗ trợ, mẹ tuyệt đối không để bé bú sữa một mình để đề phòng trường hợp bé sặc sữa nhé.
– Trẻ bú sữa mẹ: Khi trẻ bú sữa mẹ trực tiếp, mẹ khó có thể biết được chính xác lượng sữa mà bé đang tiêu thụ. Mẹ có thể theo dõi thời lượng mỗi cữ bú và các dấu hiệu khi trẻ đã bú đủ. Nếu bé thay tầm 8-10 tã mỗi ngày, nước tiểu vàng nhạt, không mùi, bé dễ chịu, bàn tay thả lỏng sau khi bú và thời gian mỗi giấc ngủ trên 45 phút thì mẹ có thể yên tâm là bé đã bú đủ rồi nhé.
Ngoài ra, nếu mẹ muốn vắt sữa và trữ cho bé bú những lần sau, mẹ cần lưu ý thời gian bảo quản sữa mẹ như sau:
Cách bảo quản sữa mẹ "chuẩn" nhất mẹ bỉm sữa cần biếtCách bảo quản sữa mẹ và rã đông đúng "tiêu chuẩn" khoa học nghe có vẻ rất khó thực hiện nhưng làm nhiều ắt quen. Mà dù khó mẹ cũng cần đảm bảo đúng chất lượng. Điều này tốt cho mẹ và cũng lợi cho bé.
– Lưu ý về việc thay bỉm: Trẻ sơ sinh 4 tuần tuổi đang trên đà phát triển, nhu cầu bú của trẻ sẽ nhiều hơn và việc đi vệ sinh cũng tăng theo. Mẹ cần chú ý thay bỉm cho bé ngay khi nhận thấy bỉm bị ướt hoặc bẩn.
Mẹ cũng nên chọn loại bỉm có chất lượng tốt, khả năng thấm hút cao, không gây dị ứng hoặc tổn thương cho làn da non nớt của bé. Mẹ có thể sử dụng các loại kem chống hăm dành riêng cho em bé để phòng ngừa tình trạng hăm tã nhé.
– Ợ hơi sau khi bú: Sau khi bú no, trẻ rất dễ bị đầy hơi. Hiện tượng này khiến trẻ sơ sinh 4 tuần tuổi khó chịu, quấy khóc, thậm chí dẫn đến nôn trớ. Vì vậy, mẹ cần vỗ ợ hơi thật kỹ cho bé sau mỗi lần bú nhé.
Cách cho bé ợ hơi sẽ tạo điều kiện để không khí di chuyển từ dưới lên trên, tống hết khí đang bị kẹt trong dạ dày ra ngoài, giúp bé dễ chịu hơn.
– Giấc ngủ: Trẻ sơ sinh 4 tuần tuổi hầu hết vẫn chưa ngủ liền mạch xuyên đêm. Thông thường, trẻ 4 tuần tuổi sẽ ngủ 16-18 tiếng mỗi ngày với vài giấc ngủ ngắn trong ngày và một đến ba giấc dài hơn vào ban đêm. Mẹ nên chú ý sắp xếp không gian ngủ cho bé thông thoáng, mát mẻ và đảm bảo an toàn cho môi trường ngủ, hạn chế các đồ vật có thể chèn lên mặt bé, gây ngạt thở.
Nếu trẻ có những dấu hiệu bất thường dưới đây, mẹ hãy cho bé thăm khám bác sĩ nhi khoa ngay nhé.
– Các dấu hiệu bất thường về cột mốc phát triển:
– Các dấu hiệu bất thường liên quan đến bệnh lý:
– Khám định kỳ:
Mẹ cần cho trẻ sơ sinh 4 tuần tuổi khám sức khỏe tổng quát định kỳ để đánh giá sự tăng trưởng của bé. Đồng thời, lần khám định kỳ này cũng đi kèm với việc tiêm chủng.
Để tăng sự gắn kết và giúp bé phát triển thể chất cũng như trí nào, ba mẹ có thể thực hiện một số hoạt động tương tác như sau:
– Cho bé nằm sấp cùng với một số đồ chơi: Trẻ sơ sinh 4 tuần tuổi thường sẽ tự giữ được đầu khi đặt nằm sấp. Mẹ có thể đặt xung quanh bé một số tranh ảnh trắng đen, các đồ chơi bằng chất liệu an toàn để bé có thể nhìn ngắm hoặc chạm vào.
– Trò chuyện hoặc hát cho bé nghe: Mẹ nghĩ rằng bé còn quá nhỏ để có thể nghe mẹ hát hoặc nói chuyện? Không đâu mẹ ơi, bé rất thích được nghe giọng của mẹ, nhất là khi mẹ hát, trò chuyện thủ thỉ hoặc nói kèm theo biểu cảm nhấn nhá. Mẹ cũng có thể cho bé nghe những bài hát thiếu nhi có nhịp điệu. Chắc chắn bé sẽ rất hào hứng đấy.
– Massage cho bé: Massage trước hoặc sau khi tắm giúp bé thư giãn, ít quấy khóc, ngủ ngon hơn và giảm các triệu chứng đầy hơi, táo bón. Mẹ thường xuyên massage, kết hợp với trò chuyện thủ thỉ sẽ giúp bé cảm nhận được sự yêu thương và gắn kết.
– Cho bé ra ngoài: Thời điểm trẻ được 4 tuần tuổi, mẹ có thể cho bé ra ngoài để hít thở không khí trong lành, đồng thời làm quen với thiên nhiên. Bé sẽ rất thích thú với việc được nhìn ngắm không gian ngoài trời, được nghe nhiều âm thanh phong phú.
Làm mẹ là một hành trình đầy ngọt ngào và diệu kỳ. Mỗi giai đoạn phát triển của trẻ đều cần có sự đồng hành yêu thương, sự chăm sóc chu đáo của mẹ. Mẹ không nên quá lo lắng, căng thẳng hay đặt quá nhiều áp lực khi chăm sóc trẻ sơ sinh 4 tuần tuổi. Bé yêu rồi sẽ lớn rất nhanh, mẹ sẽ nhìn thấy bé thay đổi mỗi ngày. Chúc mẹ có một hành trình đáng nhớ và đong đầy yêu thương bên thiên thần nhỏ của mình nhé.
ĐÁNH GIÁ SẢN PHẨM