Giỏ hàng

Vì sao đồ Denim/Jeans của Nhật Bản lại đắt đến vậy?

21/03/2024
Tin tức

Những chiếc quần jeans chất lượng của Nhật có thể được bán với giá từ vài trăm đến hàng nghìn đô la. Nổi danh lâu đời là những loại tốt nhất trong ngành, vậy điều gì đã khiến đồ denim của Nhật Bản trở nên đắt giá đến? 

Không khó để mỗi người sở hữu vài chiếc quần jeans trong tủ quần áo vì giá thành của chúng được bán khá rẻ trên thị trường hiện nay. Nhưng nếu bạn bước vào cửa tiệm denim có nguồn gốc Nhật Bản, chắc chắn những món đồ ở đây sẽ có giá không hề rẻ. Xuất phát từ Pháp rồi lan tỏa đến Hoa Kỳ, chất liệu denim hay đồ jeans đã được người Nhật tiếp nhận và biến tấu một cách sáng tạo, làm nên dấu ấn khác biệt trong cộng đồng denim thế giới. 

Denim/Jeans của Nhật Bản
Người Pháp tạo ra vải denim, người Mỹ phổ biến chúng và người Nhật đưa chúng lên một tầm cao mới

Lịch sử Denim/Jeans của Nhật Bản

Đồ denim nói chung và quần jeans nói riêng là một trong những biểu tượng của văn hóa Mỹ. Chúng đại diện cho tầng lớp lao động chăm chỉ, chất phác của thời đại công nghiệp hóa những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Hình ảnh đó sau này trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho điện ảnh Hollywood. Qua các bộ phim kinh điển, vải denim nhanh chóng trở thành xu hướng thời trang được ưa chuộng khắp thế giới và Nhật Bản cũng không nằm trong ngoại lệ. 

Trước khi có một lịch sử hào nhoáng tại Mỹ, ít ai biết rằng tên gọi chất liệu “denim” được bắt nguồn từ tiếng Pháp. Nguyên gốc là từ “de Nîmes” – “Nîmes” l tên thành phố của Pháp, nơi những sản phẩm dệt lần đầu tiên được sản xuất. Chất liệu “serge de Nîmes” lần đầu tiên ra đời từ khung dệt của thợ may Pháp, sau này đổi tên thành “denim”.

Denim/Jeans của Nhật Bản

Những chiếc quần jeans, quần yếm từ chất liệu denim lần đầu được sản xuất ở Mỹ vào cuối những năm 1800 bởi Taylor Jacob W. Davis. Ông nảy ra ý tưởng chế tạo quần từ một loại vải cứng mà ông đã nhập về từ Genoa, Ý. Tên gọi “jeans” bắt đầu được biết đến trong thời gian này (Genoa trong tiếng Pháp là “Gênes”). Mong muốn của Davis là tạo ra những chiếc quần có độ bền cao, không dễ bị sờn rách. Mẫu quần đầu tiên của ông từ chất liệu denim có màu xanh biển, được thiết kế chắc chắn với khóa kéo, túi và khuy nút đầy đủ. Thiết kế nhanh chóng được đón nhận vì tính ứng dụng và thời trang. Đặc biệt với tầng lớp người lao động, công nhân vì độ bền chắc đáng kinh ngạc của chúng. 

Denim/Jeans của Nhật Bản

Không hề biết trước rằng sản phẩm của mình lại tạo xu hướng mạnh đến vậy, Davis đã không kịp đáp ứng các đơn hàng bằng những thiết bị sản xuất khiêm tốn. Ông liên lạc với Levi Strauss & Company và trở thành đối tác quan trọng giúp thương hiệu này vươn lên làm “ông trùm” ngành đồ denim. Loạt thiết kế của hãng nhanh chóng khuynh đảo đại chúng, trở thành chất liệu huyền thoại của giới thiết kế thời trang đến nhiều thập kỷ sau này. 

Xu hướng đồ denim nhanh chóng lan ra khắp châu Á và du nhập vào Nhật Bản những năm 1950. Nhờ công năng vượt trội, quần jeans đã tạo nên cơn sốt trên thị trường thời trang Nhật, nhu cầu mua quần này tăng cao đến nỗi họ bắt đầu tự mày mò để sản xuất những chiếc quần tương tự. 

Mới đầu, họ sao chép các mẫu mã của Mỹ. Sau đó khi bắt đầu có kinh nghiệm hơn, các công ty “Xứ sở mặt trời mọc” đã tự thiết kế và sáng tạo đồ denim cho thị trường nội địa. Các trung tâm vải vóc tại Nhật như Thành phố Kojima và Ibara ở tỉnh Okayama, Fukuyama ở tỉnh Hiroshima là các nơi tập trung sản xuất vải jeans lớn nhất. Theo thời gian, chất liệu denim Nhật và Mỹ ngày càng khác nhau. Hai quốc gia đứng đầu cộng đồng denim này đều có cách thức sản xuất độc đáo mang đậm dấu ấn riêng của mỗi vùng.

Denim/Jeans của Nhật Bản
Kapital

Sự khác biệt giữa chất liệu denim “tiên phong” Mỹ và “người thừa kế” Nhật Bản

Mỹ và Nhật đều là những “thánh địa” sản xuất ra chất liệu denim cao cấp nhất. Nếu denim Mỹ mang phong cách phóng khoáng, có phần “bụi bặm” đặc trưng của miền Tây, thì Nhật Bản lại thổi hồn văn hóa, lịch sử vào sản phẩm. Sự đổi mới trong quy trình sản xuất denim của Nhật Bản đã đem lại hai phong cách denim khác biệt.

Thời gian thay đổi, công nghệ dệt may hiện đại phát triển nên nhiều nơi ở Mỹ đã chuyển sang dệt máy để tăng số lượng hàng loạt với chi phí rẻ (projectile loom). Thế nhưng, Nhật Bản vẫn trung thành với cách làm truyền thống với quy trình từ nhuộm đến dệt vải đều thủ công. Một số kiểu dệt phổ biến nhất bao gồm raw denim và denim selvedge.

Denim/Jeans của Nhật Bản
Denim Mỹ và denim Nhật ngày càng khác biệt theo thời gian

Chất liệu denim Mỹ 

“Selvedge” là từ chỉ việc sản xuất denim ở Mỹ, bắt nguồn từ thuật ngữ “self-edge”. Trong may mặc, đây là kỹ thuật tự thắt mép vải, phần chỉ thừa ở cuối cuộn vải được gút lại giúp mép vải không bị xơ và bung chỉ ra. Selvedge denim được dệt từ máy dệt con thoi sợi ngang với thớ vải hẹp, mép vải được may viền cẩn thận. Kỹ thuật này khiến sợi vải được dệt chặt hơn, dày hơn, tạo nên độ thẩm mỹ riêng biệt cho từng sản phẩm. Loại sợi denim này nổi tiếng về độ bền chắc, hơn hẳn chất lượng các loại denim khác không sử dụng kỹ thuật dệt chéo sợi. 

Denim/Jeans của Nhật Bản
Selvedge denim là loại vải denim dệt chéo sợi được đánh giá chất lượng hơn hẳn các loại denim thông thường khác

Bên trong các sản phẩm denim Mỹ là ký hiệu chú thích thời gian hao mòn, phai màu và chúng thường “bạc màu” nhanh hơn so với chất liệu denim Nhật Bản. Nhưng đây lại là đặc trưng được các tín đồ thời trang denim yêu thích vì sự thay đổi thú vị của thiết kế theo thời gian. Nhà sản xuất denim Mỹ Cone Mills còn sử dụng dòng máy X3 Draper Looms để dệt thêm nhiều sợi ngang màu trắng hơn so với denim Nhật Bản, tạo sự độc đáo riêng biệt cho sản phẩm. 

Tốc độ bạc màu của denim Mỹ nhanh chóng là đặc trưng khiến cộng đồng thời trang ưa thích

So với vải denim Nhật, các thiết kế denim của Mỹ có phần linh hoạt hơn nhờ kết cấu vải mềm mại, các đường viền phù hợp với nhiều phom dáng người mặc. Quần jeans của Nhật do dệt thủ công nên cần một số trợ giúp cho các dáng người khác nhau. 

Chất liệu denim Nhật Bản

Nhật Bản là một đất nước có lòng tự tôn dân tộc cao. Người dân nơi đây rất ủng hộ và ưa chuộng việc sử dụng đồ từ các thương hiệu nội địa. Sản xuất đồ denim cũng vậy, người Nhật có cách thức riêng khác với người Mỹ, nên dấu ấn thiết kế giữa hai nền văn hóa càng khác biệt rõ nét hơn. 

Các công ty sản xuất đồ denim Nhật sử dụng khung dệt trong nước thay vì nhập khẩu từ Mỹ. Tuy tiếp nhận sản phẩm của văn hóa Mỹ nhưng quy trình tạo ra chất liệu denim là độc nhất chỉ có tại “xứ sở hoa anh đào”. Một số thương hiệu như Evisu lại chọn nhập máy móc cũ từ Mỹ để giữ vững tính truyền thống của sản phẩm.

Vải denim Nhật có kết cấu dày, bề mặt vải thô khá cứng và ít ôm dáng hơn so với đồ “made in USA”. Đặc trưng khi sản xuất là họ sử dụng các loại khung dệt khác nhau. Tùy theo phong cách thời trang, họ sẽ điều chỉnh khung dệt để cho ra thành phẩm là những tấm vải có kết cấu đặc trưng. Vậy nên, việc sao chép các thiết kế denim Nhật là rất khó và không thể giống hoàn toàn.

Phương thức nhuộm vải denim ở đây cũng có nhiều điểm khác biệt so với chất liệu denim Mỹ. Người Nhật đến nay vẫn lưu giữ truyền thống nhuộm chàm và đây cũng là tiêu chuẩn chung của các nhà mốt. Cách này giúp quần áo bền lâu, không dễ bị phai mờ theo thời gian. Điều này ngược lại với denim Mỹ với đặc trưng nhanh phai màu.

Ngoài ra nhờ bề mặt vải thô, dày nên đồ denim ở đây có tuổi đời “like new” lâu hơn các loại vải denim Mỹ. Tuy nhiên nếu xảy ra dấu hiệu hao mòn thì những vùng đã sờn với những vùng còn mới sẽ khá tương phản với nhau, chủ yếu là phần đầu gối trong các mẫu quần jeans.

Denim Nhật có vô vàn lý do cho việc “đắt xắt ra miếng” 

Chi phí nhân công

Nhật Bản có số lượng người nhập cư thấp nên nhân công sản xuất đồ denim ở đây chủ yếu là người Nhật. Các công ty sẽ phải trả lương cho công nhân Nhật cao hơn nhiều so với lao động ở các nước Trung Quốc, Ấn Độ. Nhật Bản còn là quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người cao. Cùng với việc ít người Nhật tham gia vào công việc tay chân dẫn đến nhiều nhà máy, phân xưởng công nghiệp bị hạn chế. 

Lực lượng lao động “lành nghề” Nhật có kỹ năng và kiến thức sản xuất ở trình độ cao. Vậy nên, chất lượng sản phẩm chế tạo ở Nhật Bản thường có chất lượng tinh tế, chỉn chu đến từng chi tiết. Trong bối cảnh ngày càng nhiều thương hiệu đồ denim ra đời trái ngược với sự hẻo lánh của các nhà máy tài năng, điều này làm cho chi phí nhân công càng trở nên đắt đỏ. 

Quy trình sản xuất khắt khe

Đồ denim Nhật Bản được giới mộ điệu ưa thích bởi nhiều chi tiết được làm thủ công đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Đinh tán ẩn, dây thắt lưng, vòng đai phồng lên và lỗ nút ato-mesu là niềm tự hào của ngành sản xuất denim Nhật. Những bộ phận này thường phải sử dụng máy móc cổ điển và lao động chuyên về kỹ thuật mới đạt được tiêu chuẩn khắt khe. 

Tuy nhiên, hiện nay các công ty đã chuyển dần sang các loại máy mới hiện đại hơn vì linh kiện sửa những chiếc máy cũ không còn được sản xuất. Lý do vì những khung cửi làm nên chất liệu này đã cũ và có thể bị hư hỏng với thời gian, trong khi nó lại khó được sửa chữa và kết quả là những chiếc máy này phải bị xếp xó. Nếu gặp sự cố như vậy thì công ty sẽ gặp khó khăn lớn như chậm thời hạn sản xuất, ngày giao hàng.

Phần lớn quá trình hoàn thiện một món denim tốt nhất phụ thuộc vào tay nghề lao động. Đây là điều khác biệt của người Nhật so với các xưởng sản xuất quần jeans ở nơi khác. Các mô hình được cắt chủ yếu bằng tay chứ không thực hiện bằng máy tính, làm nên những sản phẩm có chất riêng độc đáo.  

Nhật Bản nổi tiếng vì quy trình nhuộm màu chàm (indigo) truyền thống của mình

Vải

Phần đông các thương hiệu denim đều sử dụng nguyên liệu vải thô sẵn có từ công ty dệt may. Và chính các công ty dệt may này còn sẵn sàng cung cấp vải cho khách hàng nào muốn mua chúng. Tuy nhiên, cũng có các thương hiệu nổi tiếng bởi loại vải “gia truyền” độc đáo do chính họ thiết kế (Toyo Enterprises, Samurai Jeans và The Flat Head), sản xuất và để gìn giữ giá trị thương hiệu, họ sẽ không bán những tấm vải nguyên liệu này cho bất cứ khách hàng trả tiền nào.

Đây là lý do vì sao chi phí sản xuất rất tốn kém, cho nên các thương hiệu nhỏ thường lựa chọn vải thô từ các công ty Cone Mills, Kaihara Mills để giảm thiểu phần nào vốn sản xuất. 

Ngoài vải thì chi phí nguyên vật liệu cũng là yếu tố khiến các nhà sản xuất phải cân nhắc. Tình hình kinh tế những năm qua xảy ra nhiều biến động, nguyên vật liệu tăng giá làm sản phẩm trở nên đắt tiền hơn. Trong may mặc, bông tăng giá khá nhanh buộc các công ty sử dụng vải cotton 100% cho quần áo phải đẩy giá. Nhất là các loại bông cao cấp được sử dụng trong sản xuất quần jeans như bông Zimbabwe, bông Pima đã đắt hơn trước đây nhiều.  

Chi phí chuyển hàng

Nhật Bản có hệ thống vận chuyển nội địa nhanh và hiệu quả cao vậy nên khoản này không phải là vấn đề với những khách hàng trong nước. Tuy nhiên, ở ngoài phạm vi Nhật Bản như Mỹ, châu Âu hoặc châu Á, đây lại là thử thách lớn cho các nhà sản xuất đồ denim Nhật. Những bộ quần áo lớn và nặng sẽ bị các nhà bán lẻ định giá lại sản phẩm để bù đắp chi phí vận chuyển. Điều này khiến khách hàng phải chi trả một khoản tiền lớn để có thể sở hữu sản phẩm denim từ Nhật. 

Các thương hiệu lớn ưa chuộng denim Nhật

Không khó để bắt gặp nhãn mác đồ jeans, denim Nhật trong BST của các ông lớn ngành thời trang khắp thế giới, từ thương hiệu giá phải chăng như Gap, UNIQLO cho đến xa xỉ như Fenty, 7 For All Mankind hay Rag & Bone. 

BST đồ denim của GAP
UNIQLO hợp tác với nhà sản xuất denim Kaihara để tạo nên nhiều loại vải denim mới như vải Jerseys với độ co dãn và mềm mại tốt; hoặc Miracle Air Jeans, nhẹ hơn 20% so với quần jeans thông thường hay Uniqlo Ultra Stretch Jeans – một loại jegging có thể mặc đi tập gym

Rihanna cực kỳ ưa chuộng chất liệu denim thời thượng từ xứ sở mặt trời mọc, BST đầu tay của Fenty với tập đoàn LVMH lấy cảm hứng nhiều từ chất liệu denim. Và linh hồn của những thiết kế đó là vải denim Nhật. Thông tin này được ghi chú rõ ràng trong cả sản phẩm lẫn trên website FENTY.

Rihanna trong một thiết kế của FENTY làm từ vải denim Nhật
0.0           0 đánh giá
0% | 0
0% | 0
0% | 0
0% | 0
0% | 0
Vì sao đồ Denim/Jeans của Nhật Bản lại đắt đến vậy?

Cám ơn bạn đã gửi đánh giá cho chúng tôi! Đánh giá của bạn sẻ giúp chúng tôi cải thiện chất lượng dịch vụ hơn nữa.

Gửi ảnh thực tế

Chỉ chấp nhận JPEG, JPG, PNG. Dung lượng không quá 2Mb mỗi hình

ĐÁNH GIÁ SẢN PHẨM

  • Lọc theo:
  • Tất cả
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
Chia sẻ

Bài viết liên quan